Kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9 : Giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập

31/08/2024

 

Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi - tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã chính thức tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên của độc lập, tự do và tự chủ. Văn kiện này không chỉ là lời khẳng định quyền tự do, quyền làm chủ của dân tộc Việt Nam, mà còn là tiếng nói chính nghĩa với toàn thể nhân loại, thể hiện ý chí mạnh mẽ và tinh thần bất khuất của một dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm đấu tranh chống ngoại xâm.

 

Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 là kết quả của trí tuệ và sức mạnh của Đảng, cùng toàn thể dân tộc Việt Nam, sau gần một thế kỷ chịu đựng ách thống trị của thực dân Pháp và hàng chục thế kỷ dưới chế độ quân chủ. Dù đã 79 năm trôi qua, trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước vẫn vang vọng âm hưởng mạnh mẽ đanh thép chứa đựng ý chí quyết tâm sắt đá  mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn dân tộc tuyên bố với thế giới trong bản Tuyên ngôn độc lập mùa thu năm ấy: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân và phong kiến. Và là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng nhất trong lịch sử nước ta đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cho tới tận hôm nay và mãi mãi sau này, ngày Quốc khánh nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 2/9 vẫn mang đậm những giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sáng chói của cả Dân tộc Việt Nam.

Trong suốt 79 năm qua, Bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Ý nghĩa của Tuyên ngôn không chỉ nằm ở việc xác lập chủ quyền dân tộc, mà còn ở chỗ nó thể hiện khát vọng hòa bình, công lý và bình đẳng của nhân loại. Đó cũng chính là những giá trị thời đại mà Bản Tuyên ngôn đã mang lại, góp phần thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn sau Thế chiến thứ II.

Ngày nay, khi đất nước đang tiến bước trên con đường đổi mới và hội nhập, giá trị và ý nghĩa của Bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vẹn nguyên, là nền tảng tinh thần vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm giữ gìn độc lập, tự do và không ngừng phấn đấu để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Ngày Quốc khánh 2/9 không chỉ là dấu mốc lịch sử của dân tộc là dịp để chúng ta tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó ý thức được trách nhiệm của mình với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, trước yêu cầu đổi mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống của thế hệ trẻ Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, thấm nhuần những bài học lịch sử của ngày Quốc khánh 2/9. Tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác tiếp tục “xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo”, tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

 

Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh