
Viện Nghiên cứu kinh doanh tổ chức thành công Seminar “The heterogeneity of the impact of different types of government spending on GDP, including the effects of military spending and public investment”
02/04/2025
Ngày 02/04/2025, Viện Nghiên cứu Kinh doanh (VNCKD) đã tổ chức thành công Seminar #2 với chủ đề "The heterogeneity of the impact of different types of government spending on GDP, including the effects of military spending and public investment" tại Cơ sở A UEH, TP.HCM. Sự kiện có sự tham gia của GS.TS. Piotr Krajewski từ Đại học Lodz, Ba Lan với vai trò diễn giả chính, cùng đông đảo các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên.
Giáo sư Piotr Krajewski là giảng viên ngành Kinh tế học tại Đại học Lodz, Ba Lan. Giáo sự được biết đến như một chuyên gia nghiên cứu sâu rộng về các vấn đề liên quan đến chính sách ngân sách và kinh tế công, đồng thời là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học và báo cáo chuyên môn được các cơ quan công quyền đánh giá cao.
ThS. Phạm Quốc Thy giới thiệu về Viện NCKD
Trong phần khai mạc Seminar, ThS. Phạm Quốc Thy đã giới thiệu một cách tổng quan về Viện NCKD, nhấn mạnh vai trò tiên phong của Viện trong việc thực hiện các nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng, công bố các kết quả nghiên cứu trên bình diện quốc tế, đồng thời tạo dựng các mối quan hệ hợp tác đào tạo và tổ chức chuỗi hội thảo tọa đàm có giá trị.
GS.TS Piotr Krajewski chia sẻ tại Seminar
GS.TS Piotr Krajewski đã trình bày nghiên cứu về tính không đồng nhất trong tác động của các loại chi tiêu chính phủ đối với GDP, tập trung vào so sánh chi tiêu quân sự và đầu tư công tại Ba Lan và Ấn Độ. Kết quả nghiên cứu của giáo sư cho thấy rằng tác động của chi tiêu chính phủ không giống nhau trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, trong ngắn hạn, chi tiêu quân sự và đầu tư công có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến GDP so với tiêu dùng công phi quân sự, trong khi về dài hạn, đầu tư công mới là yếu tố có tác động đáng kể nhất đến tăng trưởng kinh tế. Giáo sư cũng nhấn mạnh rằng chi tiêu quân sự có thể là một công cụ hiệu quả trong chính sách tài khóa chống chu kỳ nhưng không phải là giải pháp tối ưu để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù tiêu dùng công phi quân sự có tác động yếu nhất đến GDP, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng thực tế của các hộ gia đình, đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới về tác động của chi tiêu công đối với giáo dục và nghiên cứu & phát triển (R&D).
Sau phần trình bày, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi liên quan đến tác động dài hạn của chi tiêu quân sự và hiệu quả của đầu tư công trong các bối cảnh kinh tế khác nhau. GS.TS Piotr Krajewski đã nhiệt tình giải đáp, nhấn mạnh rằng tác động của chi tiêu quân sự phụ thuộc vào cách thức triển khai và sự phối hợp với chính sách tài khóa. Ngoài ra, một số đại biểu quan tâm đến phương pháp nghiên cứu, đặt câu hỏi về lý do lựa chọn Ấn Độ làm đối tượng để so sánh với Ba Lan và việc sử dụng mô hình DGSE. GS.TS Piotr Krajewski giải thích rằng Ấn Độ là một nền kinh tế lớn đang tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, phù hợp để phân tích chính sách tài khóa, trong khi mô hình DGSE giúp đánh giá tác động chính sách một cách hệ thống. Cuộc thảo luận cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiềm năng về chính sách tài khóa và phát triển bền vững trong tương lai.
Đại diện Viện NCKD trao quà cho GS.TS Piotr Krajewski và chụp ảnh bế mạc Seminar
Seminar#2 khép lại đầy ý nghĩa, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và nghiên cứu đầy triển vọng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, GS.TS. Piotr Krajewski cũng bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được hợp tác với Viện NCKD trong thời gian tới với vai trò là một Fellowship.
Viện NCKD tự hào về những kết quả đạt được và mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới, với hy vọng không chỉ thúc đẩy nghiên cứu chuyên sâu mà còn mang lại giá trị thực tiễn cho cộng đồng và nền kinh tế. Viện cam kết sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo, seminar và sự kiện quốc tế, tạo điều kiện để kết nối, trao đổi tri thức, hướng đến mục tiêu phát triển khoa học và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Đến năm 2030, UEH đặt mục tiêu trở thành Đại học Đa ngành tiên phong, hành động vì sự phát triển bền vững, vươn lên Top 250 trường đại học hàng đầu Châu Á và hướng tới Top 150 vào năm 2045. Thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng, UEH không ngừng lan tỏa tri thức, thúc đẩy văn minh và mang đến những giá trị giáo dục toàn diện cho mọi người.
Tin bài: Viện Nghiên cứu kinh doanh