Viện trưởng IBR tham gia diễn đàn Vượt trên trạng thái “Bình thường mới” - Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020
07/01/2020
Vào ngày 06/01/2020, tại trường Đại học Ngân hàng đã diễn ra diễn đàn kinh tế vĩ mô Vượt trên trạng thái “Bình thường mới” - Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020 với sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các ngân hàng, các cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan hữu quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM.
Diễn đàn bàn luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp giữ nhịp tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn về điểm nghẽn trong đầu tư cơ sở hạ tầng và làn sóng phản đối toàn cầu hóa - tự do thương mại từ các nước bắc Mỹ, EU. Diễn đàn đóng góp những ý kiến cần thiết trong bối cảnh khi bước sang năm 2020 khi nước ta chính thức đảm nhận vai trò kép là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Trạng thái “bình thường mới” là các vấn đề kinh tế trái quy luật nhưng dần trở thành xu hướng như: lãi suất dài hạn thấp hơn lãi suất ngắn hạn, lãi suất giảm nhưng lạm phát thấp và chính sách nới lỏng tiền tệ cũng không thúc đẩy được lạm phát và cũng ít nhạy cảm với tài chính kinh tế.
Về phía UEH, GS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng IBR đã tham gia diễn đàn với vai trò là một diễn giả chính. Ông đã có nhiều ý kiến chia sẻ về xu hướng bình thường mới trên thế giới, bao gồm xu hướng bình thường mới về chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước phát triển, xu hướng bình thường mới trong tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Ông cũng chia sẻ về xu hướng xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt có sự ứng dụng của khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian gần nhất. Nhận thức thách thức phải kết hợp với việc cập nhật xu hướng kinh tế là điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam giữ đà tăng trưởng và vượt qua khó khăn.
Tham khảo thêm thông tin của sự kiện tại các tờ báo như vietstock, cafef, công thương, người tiêu dùng và vovworld.
Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh.