Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh tham gia Hội thảo “Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”
15/11/2024
Ngày 15/11, Viện Nghiên cứu kinh doanh (Viện NCKD) đã tham dự hội thảo “Vietnam Innovation Summit 2024” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, InnoLab Asia cùng phối hợp tổ chức tại Khách sạn Rex TP.HCM. GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh đã tham gia với vai trò diễn giả, chia sẻ tham luận về những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
Năm nay, Hội thảo mở rộng mạng lưới tới hơn 250.000 doanh nghiệp, viện nghiên cứu và tổ chức tại châu Á, Úc và Châu Âu.Sự kiện kỳ vọng trở thành cầu nối cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến bạn bè quốc tế và khu vực. Đồng thời, đây là cơ hội để các startup Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp sáng tạo, và tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần đến từ các quốc gia như Úc, Anh, Đức, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia.
Tại Hội thảo, nhiều phiên thảo luận đã diễn ra như: Xây dựng hợp tác thành công; Xu hướng Đổi mới sáng tạo mới nổi tại Việt Nam; Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tập đoàn. Trong đó, cuộc trao đổi về chủ đề “Giải pháp tập trung vào Phát triển bền vững” và “Sản xuất thông minh và tự động hóa” được xem là điểm nhấn tại hội thảo.
GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ tại phiên thảo luận
Chia sẻ tại phiên trao đổi, GS.TS. Võ Xuân Vinh đã phân tích sâu sắc ba trụ cột chính của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam: chính quyền số, kinh tế số, và xã hội số.
Chính quyền số: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, hiện nằm trong nhóm 100 quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong chính quyền, với mục tiêu hướng tới nhóm 50 quốc gia dẫn đầu trong tương lai gần.
Kinh tế số: Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế hiện dao động từ 18-20%, với mục tiêu tăng lên 30% trong những năm tới. Các doanh nghiệp dẫn đầu như VNGame và MoMo đã chứng minh vai trò tiên phong, tạo động lực mạnh mẽ cho toàn ngành công nghệ thông tin và thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.
Xã hội số: Việt Nam hiện có hơn 1 triệu nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi số lượng người dùng Internet và các hoạt động kinh doanh trực tuyến không ngừng gia tăng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của xã hội số.
GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ tại phiên thảo luận
Chính phủ đã thiết lập một khung chính sách thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái số thông qua các chương trình hỗ trợ và vườn ươm doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh từ lâu đã được xác định là những định hướng chiến lược, đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Để đảm bảo thành công trong chuyển đổi số, GS.TS. Võ Xuân Vinh nhấn mạnh cần đầu tư toàn diện vào cả cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Về hạ tầng, cần tập trung phát triển cả hạ tầng cứng như giao thông, cơ sở sản xuất, công nghệ thông tin, mạng lưới viễn thông; và hạ tầng mềm bao gồm thể chế, khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Những tiến bộ của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy tiềm năng lớn, nhưng sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước được coi là yếu tố then chốt để tối ưu hóa cơ hội từ chuyển đổi số. Đây là “thời điểm vàng” để Việt Nam vươn lên, dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực kinh tế số.