Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh tham gia Hội thảo “Phát triển bền vững Quảng Ngãi theo hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng”

05/12/2024

Ngày 05/12/2024 vừa qua, tại Hội trường Khách sạn Hùng Vương (số 45 Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững Quảng Ngãi theo hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng”  với sự tham gia của GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh và nhiều chuyên gia đầu ngành khác trong nước bao gồm CN.KS.Lê Quang Thích, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi; TS. Nguyễn Viết Vy, TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi; TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và hơn 20 nhà khoa học, cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi và các vị đại biểu, khách quý trong và ngoài tỉnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023, đưa ra tầm nhìn phát triển Quảng Ngãi theo hướng xanh, bền vững và đa dạng; cơ cấu kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao.

Tại hội thảo, với tinh thần khoa học, dân chủ, cầu thị và ý thức trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế tập trung trao đổi về các cơ chế, chính sách liên quan; đề xuất các giải pháp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền; chia sẻ các giải pháp khoa học, công nghệ, kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, áp dụng mô hình phát triển bền vững.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20 xác định mục tiêu tổng quát là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển nhanh và bền vững. TS. Nguyễn Viết Vy nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời khẳng định mục tiêu hội thảo là đưa ra các giải pháp, mô hình phát triển bền vững, gắn liền với đổi mới sáng tạo, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu và chiến lược phát triển của Việt Nam. Với tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ngãi sẽ phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, với định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững.

TS. Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Võ Xuân Vinh đã trình bày tham luận về Phát triển kinh tế xanh tại Quảng Ngãi theo hướng phát triển bền vững. Theo GS Vinh, tại Quảng Ngãi, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, với những giải pháp ưu tiên như: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông-lâm-ngư nghiệp bền vững... Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Đức, Thụy Sỹ và Singapore, ông đã chỉ ra thực trạng của Việt Nam hiện nay và đưa ra một vài giải pháp để phát triển bền vững.

GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh trình bày tham luận tại hội thảo.

GS.TS Võ Xuân Vinh chỉ ra, để phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo hướng bền vững, cần tập trung vào các định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng hóa kinh tế. Theo đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng truyền thống và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, định hướng chuyển đổi ngành giao thông vận tải và logistics theo hướng sử dụng phương tiện ít phát thải và ứng dụng công nghệ số hóa, tự động hóa để tối ưu hóa hoạt động. Cần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp bền vững, bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, cần phát triển bền vững bằng cách áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế cộng sinh. Mô hình kinh tế tuần hoàn là khuyến khích các ngành công nghiệp tái chế chất thải, sử dụng công nghệ sạch, và phát triển sản phẩm sinh thái để giảm thiểu ô nhiễm; chia sẻ tài nguyên và năng lượng – tạo ra chuỗi giá trị khép kín giữa các ngành. Mô hình kinh tế cộng sinh là kết nối công nghiệp với nông nghiệp – tái sử dụng và tạo ra giá trị gia tăng từ chất thải nông nghiệp; xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về những lợi ích của mô hình.

Bên cạnh các tham luận của các chuyên gia, nghiên cứu viên sau tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Trúc, Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đã trình bày tham luận với chủ đề "Kinh tế tuần hoàn nhằm đảm bảo tính bền vững trong hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Dung Quất: Một cách tiếp cận xanh-tinh gọn". Đề tài này đề xuất một phương pháp tiếp cận xanh-tinh gọn, kết hợp giữa việc sử dụng tài nguyên hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Phương pháp này bao gồm việc triển khai các chiến lược sản xuất mới, trong đó tái chế và tái sử dụng nguyên liệu được ưu tiên hàng đầu, nhằm mục tiêu giảm lượng chất thải và tối đa hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Nghiên cứu của cô Đỗ Thị Thanh Trúc đưa ra một loạt các biện pháp cải tiến liên tục, không chỉ giúp các nhà quản lý nhận diện cơ hội cải tiến mà còn cung cấp hướng dẫn cụ thể cho việc áp dụng các chiến lược sản xuất xanh-tinh gọn. Phương pháp này không chỉ giúp các khu công nghiệp như Dung Quất tiết kiệm chi phí mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp.

 

Nghiên cứu viên sau tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Trúc tham luận về nội dung “Kinh tế tuần hoàn nhằm đảm bảo tính bền vững trong hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Dung Quất: Một cách tiếp cận xanh-tinh gọn".

Các tham luận tại hội thảo đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi mô hình phát triển sang một nền kinh tế xanh, bền vững đang ngày càng trở nên cấp thiết đối với Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác trên toàn quốc. Với những đóng góp và sự tham gia của các nhà khoa học, các đại biểu trong và ngoài tỉnh, hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi trong tương lai. Hội thảo là một bước đi quan trọng trong việc đưa các chính sách phát triển bền vững vào thực tế, góp phần xây dựng một Quảng Ngãi xanh, sáng tạo và thịnh vượng.

Cuối cùng, Quảng Ngãi cần chú trọng quản lý chất thải và nước thải, đầu tư xây dựng các công trình xanh để bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Những chính sách này không chỉ giúp Quảng Ngãi phát triển kinh tế mà còn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng tới một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh các tham luận của các chuyên gia, nghiên cứu viên sau tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Trúc, Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đã trình bày tham luận với chủ đề "Kinh tế tuần hoàn nhằm đảm bảo tính bền vững trong hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Dung Quất: Một cách tiếp cận xanh-tinh gọn". Đề tài này đề xuất một phương pháp tiếp cận xanh-tinh gọn, kết hợp giữa việc sử dụng tài nguyên hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim, cùng các ngành công nghiệp xanh, công nghệ cao phát triển tại các khu công nghiệp tập trung. Quảng Ngãi sẽ xây dựng thương hiệu dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là du lịch, và mở rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Tỉnh cũng chú trọng nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh và tiếp tục triển khai chương trình nông thôn mới.

Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh

 

Báo đài đưa tin:

Báo Nhân Dân: Quảng Ngãi cần tập trung định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh

Báo Pháp Luật: Quảng Ngãi làm gì để phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và đa dạng?

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA): Quảng Ngãi: Phát triển bền vững theo hướng đổi mới sáng tạo

Báo Quảng Ngãi: Hội thảo khoa học về phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi