[INFO SESSION] Hướng dẫn viết đề cương Nghiên cứu (Research Proposal)
Chuỗi Seminar chia sẻ kiến thức dành cho nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ liên kết Đại học Lincoln
01/03/2024
Chương trình liên kết Tiến sĩ Kinh tế - Quản trị đã chính thức được thành lập ngày 01/04/2020 trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Lincoln (Vương Quốc Anh). Chương trình mang đến cho học viên cơ hội nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế và Quản trị theo chuẩn đào tạo của Đại học Lincoln. Ngoài ra, nghiên cứu sinh tham gia chương trình còn có quyền lợi được tham gia nghiên cứu nhóm cùng với các chuyên gia uy tín quốc tế hàng đầu, có danh tiếng học thuật cao của cả hai Trường.
Đặc biệt, Viện nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh định kỳ tổ chức các buổi seminar dành riêng cho nghiên cứu sinh khi tham gia chương trình học này. Tại đây, nghiên cứu sinh có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức quý báu với GS. TS. Võ Xuân Vinh - Trưởng Ban Điều hành chương trình liên kết Tiến Sĩ Lincoln và các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu khác tại Việt Nam.
Nằm trong chuỗi hội thảo chia sẻ kiến thức dành cho nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ liên kết Đại học Lincoln, ngày 19/02/2024 tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, các nghiên cứu sinh Lincoln đã có buổi gặp gỡ với PGS.TS. Nguyễn Phong Nguyên - Trưởng Ban Nghiên cứu - Phát triển và Gắn kết toàn cầu với chủ đề: “Introduction to accounting research and research”.
PGS.TS Nguyễn Phong Nguyên chia sẻ phương pháp thực hiện nghiên cứu
Tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Phong Nguyên đã chia sẻ về phương pháp thực hiện bài báo để được công bố quốc tế, theo đó các nghiên cứu sinh nên lựa chọn đối tượng, chủ đề nghiên cứu cụ thể, thông tin tìm kiếm dựa trên các trang tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực, call for paper hoặc google scholar để tìm kiếm.
Tương quan giữa số lượng bài báo và kiến thức trong đề tài nghiên cứu (Nguồn: PGS.TS Nguyễn Phong Nguyên - UEH)
Trong quá trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh có thể lựa chọn phương pháp định lượng hoặc định tính. Việc lựa chọn phương pháp định tính và định lượng trong nghiên cứu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, và tài nguyên có sẵn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, nghiên cứu sinh có thể sử dụng cả hai phương pháp định tính và định lượng song song có thể cung cấp cái nhìn toàn diện và phong phú về vấn đề nghiên cứu.
Ngoài ra, xuyên suốt buổi seminar GS.TS.Võ Xuân Vinh đã tận tình chia sẻ, hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc của các nghiên cứu sinh gặp phải trong quá trình thực hiện nghiên cứu:
GS.TS Võ Xuân Vinh chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc cho các nghiên cứu sinh
Buổi trao đổi đem lại nhiều giá trị cho các anh chị NCS Lincoln và vững tin hơn trong hành trình đam mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kinh tế - Quản trị.
Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh