Khoa Học Công nghệ và Đổi Mới Sáng Tạo Là Động Lực Tăng Trưởng Kinh Tế Xã Hội Trong Kỷ Nguyên Mới
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh nhận định: Dòng FDI kiểu mới từ Trung Quốc và cơ hội kép cho Việt Nam
12/06/2024
Vào sáng ngày 24/01/2024, GS. TS Võ Xuân Vinh đã có buổi phỏng vấn trả lời với bên Kinh tế Sài Gòn về chủ đề cơ hội và lợi thế cho Việt Nam khi đón nhận dòng FDI mới từ Trung Quốc.
(KTSG) – “Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về tiềm lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đón hai dòng FDI, từ Trung Quốc và từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… để học hỏi, nâng cao trình độ sản xuất, trình độ công nghệ, bắt kịp các xu hướng công nghệ bán dẫn, công nghệ xanh của thế giới”, GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với KTSG.
Khi mà xung đột quân sự Ukraine – Nga vẫn đang tiếp diễn, thế giới cuối năm 2023 tiếp tục ghi nhận thêm một điểm nóng quân sự: Israel – Hamas (Palestine) tại dải Gaza. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng, tác động trực tiếp tới quá trình sản xuất kinh doanh của hai nền kinh tế đứng đầu thế giới. Trong bối cảnh như vậy, ưu thế ổn định về chính trị, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sự chủ động và tích cực mời gọi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của từng địa phương cũng như cả nền kinh tế, chiến lược Trung Quốc + 1 của các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc và chính sách khuyến khích đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài của Trung Quốc… đã giúp Việt Nam xác lập một kỷ lục thu hút FDI mới, đạt 36,6 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 32% so với năm 2022. Dù vốn FDI giải ngân năm nay chỉ tăng 3,5%, những lợi thế trong việc đầu tư vào Việt Nam và tính toán lâu dài của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là không thể phủ nhận.
Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2023 có hai đặc điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất là sự thay đổi của dòng vốn FDI từ Trung Quốc. Trung Quốc luôn nằm trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, vậy nhưng, so với trước kia, số lượng các dự án trị giá trên 1 tỉ đô la hay vài trăm triệu đô la từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng lên rõ rệt. Về lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư Trung Quốc ưu tiên hơn đối với các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, vật liệu bán dẫn, sản phẩm dùng cho chuyển đổi xanh, năng lượng sạch.
Thứ hai, tháng 9-2023, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Việt Nam được xác định là một mắt xích trong chuỗi cung ứng thân thiện, bền vững trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, đất hiếm. Doanh nghiệp Mỹ đồng thời bày tỏ mối quan tâm tới vấn đề chuyển đổi sạch, hướng tới phát thải bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam. Đây là căn cứ để kỳ vọng dòng vốn đầu tư từ Mỹ và các nước phát triển trong các lĩnh vực nêu trên.
Có thể nói Việt Nam đang có những thuận lợi rất lớn trong thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Nếu tận dụng được cơ hội để nâng cao trình độ sản xuất, công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển (R&D), đặc biệt trong các ngành công nghệ 4.0 như công nghệ bán dẫn, năng lượng sạch, Việt Nam có thể có những bước phát triển nhanh.
Việt Nam có thể đi theo con đường của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc thu hút FDI chủ yếu vào những ngành nghề tạm gọi là thâm dụng lao động. Song hành cùng chính sách cởi mở trong thu hút FDI, Trung Quốc tập trung đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nguồn lực công nghệ. Vừa khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các trung tâm R&D, Trung Quốc vừa tự tạo ra các trung tâm R&D, để dần dần xây dựng được vị thế bình đẳng giữa nền sản xuất Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu tư cho nguồn nhân lực, cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc bắt nguồn từ các trường đại học, tới các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân được tạo điều kiện tham gia vào tiến trình này.
Chúng ta cũng cần hoàn thiện về hạ tầng, cả hạ tầng cứng gồm giao thông, trường học, bệnh viện, công nghệ thông tin… đến hạ tầng mềm về văn hóa, giáo dục, pháp luật…, từ đó, tạo điều kiện để người lao động, chuyên gia, nhà khoa học (bao gồm Việt kiều) làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam, trở thành một phần trong lực lượng lao động chất lượng cao tại Việt Nam.
Tin bài: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn - Viện Nghiên cứu kinh doanh