Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công hội thảo “Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam”

30/03/2024

Ngày 29/03/2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công buổi hội thảo với chủ đề “Thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” nhằm tập trung thảo luận về thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam. làm rõ thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và các vấn đề đặt ra.

 

 

Về phía Ban giám đốc UEH có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học; GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học và hơn 40 lãnh đạo các Khoa Viện, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên UEH và các trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học UEH đã nhấn mạnh:” Hiện nay Chính phủ Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là đã ban hành khá kịp thời một loạt các văn bản pháp quy như luật, nghị định, thông tư và quyết định của các cấp để tạo dựng hành lang pháp lý để quản lý và điều tiết các mảng khác nhau của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ đã xây dựng "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020). Theo đó, chuyển đổi số quốc gia được thực hiện trên thế "kiềng 3 chân" là Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

 

GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học UEH

 

Mở đầu Hội thảo, GS. TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh đề cập đến bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển kinh tế số trong những năm gần đây, đồng thời đi sâu vào tháo gỡ những khó khăn và thách thức, cũng như đề ra giải pháp và lộ trình cho việc phát triển kinh tế số. Vấn đề xây dựng nền kinh tế số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Đây là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

 

GS. TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh

 

Hội thảo tập trung đề cập đến bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển kinh tế số trong những năm gần đây, đồng thời đi sâu vào tháo gỡ những khó khăn và thách thức, cũng như đề ra giải pháp và lộ trình cho việc phát triển kinh tế số với ba tham luận đến từ nhóm nghiên cứu của đề tài với các nội dung:

  • Các điểm thành công của kinh tế số của Việt Nam
  • Những hạn chế và nguyên nhân của kinh tế số của Việt Nam
  • Quan điểm hiện nay của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với phát triển kinh tế số

PGS.TS Trần Đăng Khoa trình bày tham luận: “Các điểm thành công của kinh tế số của Việt Nam”

 

TS. Nguyễn Thanh Phong trình bày tham luận: “Những hạn chế và nguyên nhân của kinh tế số của Việt Nam”

 

TS. Trần Thị Thanh Phương trình bày tham luận ”Quan điểm hiện nay của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với phát triển kinh tế số”

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, GS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc cho rằng: Hội thảo chủ đề “Thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” thể hiện rõ ràng , qua đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới theo những phương hướng, nhiệm vụ phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị. Ban giám đốc UEH sẽ luôn theo sát, đồng hành cùng Ban chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu để nhóm nghiên cứu đưa ra lộ trình và nhiệm vụ thích hợp để phát triển, đưa ra nhiều kiến nghị dựa trên những nghiên cứu, không lặp lại những văn kiện đã có, sự phân công trách nhiệm trong các bộ ban ngành, kiến nghị tổng thể, mang góc độ khác để phát triển cho sự phát triển Kinh tế số.

 

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám Đốc UEH

Hội thảo thu hút nhiều sự quan tâm và đóng góp các ý kiến sơ bộ đánh giá thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Kinh tế số. Buổi hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp và mang lại nhiều giá trị nghiên cứu cho sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Đây không chỉ là một sự kiện học thuật, mà còn là một diễn đàn đa ngành, đa quốc gia, nơi có thể chia sẻ, trao đổi và cùng nhau tìm kiếm những giải pháp cụ thể và tối ưu nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Tin: Viện Nghiên cứu Kinh doanh