Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh tham dự với vai trò Keynote Speaker tại diễn đàn “Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024” tại Bình Dương

15/04/2024

   Diễn đàn “Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024” (Horasis China Meeting 2024) diễn ra tại tỉnh Bình Dương từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 4 năm 2024 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Liên đoàn Kinh tế công nghiệp Trung Quốc tổ chức. Sáng ngày 15/04/2024, GS. TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, tham dự với vai trò Keynote Speaker trong Phiên họp toàn thể: Triển vọng kinh tế toàn cầu.

   Diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong đốc thúc sự phát triển và mở rộng công tác đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sự kiện lần này quy tụ gần 700 khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và tỉnh Bình Dương; chuyên gia và các nhà lãnh đạo cấp cao thuộc cộng đồng Horasis, Hiệp hội thương gia, Liên đoàn doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam…

(Quang cảnh hội trường Phiên họp toàn thể: Triển vọng kinh tế toàn cầu - Horasis 2024)

   Tại Diễn đàn, GS. TS. Võ Xuân Vinh với vai trò Keynote Speaker trong Phiên họp toàn thể: Triển vọng kinh tế toàn cầu đã trình bày quan điểm về nội dung: “Nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch đã được tái thiết khi mô hình làm việc thay đổi. Với tình trạng lạm phát toàn cầu giảm và nhu cầu năng lượng tăng – chúng ta có thể thấy những dự án kinh doanh mới nào ở Trung Quốc và Việt Nam có khả năng ứng phó trước các tác động của biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lành mạnh và nâng cao phúc lợi xã hội? Những trở ngại ngắn hạn hay dài hạn đối với tăng trưởng bền vững là gì?”

(GS. TS. Võ  Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu kinh doanh (UEH) điều hành Phiên toàn thể)

   Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thách thức, Phiên toàn thể không chỉ tập trung đánh giá những trở ngại, mà còn nêu lên những giải pháp của các quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao phúc lợi xã hội, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.   

   Phiên họp toàn thể đã có sự tham gia của các diễn giả:

  • Don Lam, Giám đốc điều hành và Đối tác sáng lập, VinaCapital, Việt Nam
  • Shan Baoguo, Phó chủ tịch, Viện Nghiên cứu Năng lượng Lưới điện Nhà nước, Trung Quốc
  • Tao Yitao, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc, Trung Quốc
  • Yu Jin, Phó chủ tịch, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC)
  • Felix Zhang, Đồng sáng lập, Envision Group, Trung Quốc

   Theo các diễn giả, sau ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 đến nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam, đây chính là thời điểm hai quốc gia cần tăng cường hợp tác nối lại chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa, nông sản. Bên cạnh đó, việc tăng tốc hợp tác phát triển cũng cần đảm bảo tính bền vững. Nền kinh tế phát triển “xanh” được xem là xu hướng bắt buộc cho cả Trung Quốc và Việt Nam.

  Theo ông Felix Zhang – Đồng sáng lập Envision Group, Trung Quốc, đối với các quốc gia châu Á, thách thức ngắn hạn hiện nay là bong bóng bất động sản, nợ công, mất cân bằng tiêu cùng, tỷ lệ thất nghiệp cao… Thách thức dài hạn là tình trạng suy giảm dân số, thiếu lao động, vì vậy cần thay đổi quá trình phát triển theo kịp với xu thế của thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến sự phát triển bền vững hơn.

 

(Bà Tao Yitao - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc chia sẻ tại Phiên toàn thể)

   Bà Tao Yitao - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc chia sẻ, chính sách nhà ở chưa hợp lý và quá trình sử dụng tài nguyên đất quá mức đã đẩy giá nhà ở tại Trung Quốc lên cao. Cùng với áp lực tiêu dùng suy yếu sau đại dịch, áp lực giảm phát và khủng hoảng bất động sản kéo dài đang là những trở ngại mà Trung Quốc đang đối diện. Theo bà, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng, vì vậy cả hai có thể học hỏi chia sẻ nhau để khai thác thế mạnh và hạn chế những điểm yếu trong quá trình phát triển.

   Chia sẻ về xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh, ông Don Lam - Giám đốc điều hành và Đối tác sáng lập VinaCapital, Việt Nam cho rằng đây là xu thế phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai tác động lớn đến đời sống con người. Theo ông, có 3 điểm then chốt Việt Nam cần tập trung để đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đó là phải sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng; chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và cần có cơ chế, chính sách về thị trường, vốn cho các doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng một số quy định mới trong lĩnh vực năng lượng xanh. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua, tạo cú huých cho doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn.

   Các diễn giả cũng thống nhất rằng cần phải đào tạo nhân lực tốt hơn, bắt kịp với sự phát triển của công nghệ để nắm bắt và vận hành được công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng băng thông rộng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thay đổi, tái cấu trúc, định hình hướng đi mới để đáp ứng xu thế phát triển xanh hiện nay.

   Đây không chỉ là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, kết nối, mà còn để kịp thời nắm bắt tầm nhìn, kiến thức mới, cùng nhau phát triển năng lực quản trị và tìm ra những giải pháp mang tính thời đại, thúc đầy nền kinh tế năng động, mở rộng hội nhập quốc tế.

GS. TS Võ Xuân Vinh (Thứ ba từ bên trái) tham gia với vai trò Keynote Speaker trong Phiên họp toàn thể: Triển vọng kinh tế toàn cầu

   Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) nói chung và Viện Nghiên cứu Kinh doanh nói riêng luôn tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, đồng thời tham gia các hoạt động, diễn đàn về phát triển, mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên toàn thế giới. Thông qua hoạt động của mình, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng cường các đối tác mới, có được sự đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh