Rủi ro và cơ hội đan xen từ chính sách thuế mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump
14/11/2024
Không thể phủ nhận rằng Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và có thể sắp tới là chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, để xuất khẩu Việt Nam thực sự cất cánh, Việt Nam phải đáp ứng đủ hạ tầng, năng lực sản xuất cũng như khả năng tuân thủ các yêu cần thương mại của thị trường Mỹ trong dài hạn. Nếu Việt Nam chỉ được xem là “cửa ngõ” tránh thuế thì sự tăng trưởng thương mại này sẽ không bền vững và không thể đem lại hiệu quả như kỳ vọng.
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Chính sách thuế quan quyết liệt của chính quyền Tổng thống Donald Trump và sau đó là Joe Biden đã tạo ra những thay đổi lớn trong bối cảnh thương mại toàn cầu, đặc biệt là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Hàng hoá Trung Quốc bị giảm tính cạnh tranh, buộc Mỹ phải tìm địa chỉ nhập khẩu mới với mức giá tốt hơn. Đồng thời, doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng phải tìm kiếm các địa điểm sản xuất mới để tránh thuế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một lựa chọn thay thế hấp dẫn nhờ vào lợi thế về giá cả và chi phí sản xuất.
Kể từ khi Mỹ áp thuế nhập khẩu cao với hàng Trung Quốc vào năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh. Năm 2019, xuất khẩu sang Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng đột phá lên đến 29% so với năm trước đó, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của giai đoạn trước. Điều này được cho là do sự thay thế đơn hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dưới thời ông Biden, xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2022 (Hình 1). Hiện thị trường Mỹ đã chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng mạnh từ mức 19,5% của năm 2018. Tỷ trọng hàng Việt Nam trong nhập khẩu của Mỹ cũng tăng đáng kể, từ 0,09% năm 2001 lên hơn 2% vào năm 2017 và đạt 3,9% vào năm 2022. Điều này cho thấy Việt Nam có vị thế ngày càng lớn trong quan hệ thương mại của Mỹ.
Hình 1: Tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ 2012-2023.
Nguồn: Tổng Cục Thống kê
Ở chiều ngược lại, theo Bộ Thương mại Mỹ, thị phần hàng Trung Quốc trong nhập khẩu của Mỹ giảm mạnh từ mức 21,6% của năm 2017 xuống còn 16.5% năm 2022. Sự đối lập này được thể hiện rõ hơn ở một số nhóm hàng cụ thể. Ví dụ, trong nhập khẩu hàng dệt may, trong khi thị phần của Việt Nam đã tăng từ 10% năm 2018 lên gần 15% vào năm 2022, thì thị phần của Trung Quốc đã giảm từ mức 40,5% xuống còn 29,7% trong cùng giai đoạn. Hai hình dưới cho thấy sự tăng trưởng xuất khẩu của một số mặt hàng Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn 2016-2020, đối lập với sự suy giảm của hàng Trung Quốc. Trong đó, các mã từ 50-63 bao gồm các sản phẩm dệt may, vải sợi. Mã 84, 90 bao gồm máy móc, thiết bị cơ khí. Mã 85 là mặt hàng điện tử.
Hình 2: Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Mỹ giai đoạn 2016-2020. Nguồn: Kwon (2022)
Hình 3: Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng của Trung Quốc sang Mỹ giai đoạn 2016-2020. Nguồn: Kwon (2022)
Tuy nhiên, trong khi tăng xuất khẩu sang Mỹ thì Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng từ 24,9 tỷ USD trong năm 2011 lên hơn 4 lần vào năm 2022 với 118 tỷ USD. Nhập siêu từ quốc gia này cũng tăng gấp 6 lần từ 10 tỷ USD lên hơn 60 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian. Điều này cho thấy thương mại Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nước này và đặt câu hỏi về giá trị gia tăng đem lại từ xuất khẩu sang Mỹ của hàng hoá Việt Nam có thực sự cao như kỳ vọng.
Nhiều cơ hội cho Việt Nam
Giữ vững quan điểm thương mại từ nhiệm kỳ trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất mức thuế 10% trên tất cả các mặt hàng nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong nước. Ngoài ra, các mức thuế cao hơn lên đến 60% có thể được áp dụng đối với một số quốc gia nhất định như Trung Quốc và Mexico. Tương tự như những gì diễn ra trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thời gian trước, nếu được thực thi, mức thuế này sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi, đặc biệt ở các sản phẩm chủ lực như dệt may, điện tử và máy móc thiết bị cơ khí. Hiện Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 98,4 tỷ USD trong 9 tháng 2024, thặng dư thương mại đạt hơn 86 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch khoảng 17,32 tỷ USD. Đứng thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt khoảng 15,5 tỷ USD. Dệt may đứng thứ ba với kim ngạch hơn 12 tỷ USD[1]. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ liên tục tăng mạnh song hàng Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Điều này cho thấy quan hệ thương mại Việt-Mỹ vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng và Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận thêm nhiều đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khi các nhà đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc để né thuế. Việt Nam được lựa chọn nhờ vị trí địa chính trị thuận lợi, chi phí nhân công rẻ và có quan hệ FTA sâu rộng với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Chỉ riêng năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD, tăng tới 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Những năm tiếp theo, thu hút FDI luôn ở mức trên 35 tỷ USD trước khi giảm nhẹ do Covid-19 vào năm 2020. Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thuế nhập khẩu của Mỹ tăng 1 điểm phần trăm thì FDI vào Trung Quốc sẽ giảm từ 0,6-1,6% so với thời điểm trước chiến tranh thương mại. Trong phần sụt giảm FDI này, khoảng 3% sẽ dịch chuyển sang Việt Nam (Banh et al 2024). Đợt áp thuế lần này sẽ càng củng cố hơn quyết định dịch chuyển sản xuất và sắp xếp chuỗi cung cứng của các công ty đa quốc gia, đặc biệt khi chiến tranh thương mại đã chuyển biến thành chiến tranh công nghệ. Việt Nam phải sẵn sàng cung ứng cơ sở hạ tầng, nhân lực chất lượng cao và năng lực sản xuất để nắm bắt cơ hội dịch chuyển này. Đầu tư trong các ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng và cơ hội phát triển, đặc biệt khi ông Trump có khuynh hướng áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các công ty công nghệ Trung Quốc.
Nhưng cũng lắm rủi ro
Tuy nhiên, những thách thức về lỗ hổng của chuỗi cung ứng, khả năng sản xuất và khả năng tuân thủ quy tắc xuất xứ có thể sẽ không mang lại tác động tích cực và lâu dài như mong đợi. Sản phẩm xuất khẩu Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ bị xem xét kỹ hơn khi bị coi là “cửa ngõ” cho hàng từ các nước khác tránh thuế. Điều này đã từng xảy ra với mặt hàng thép của Việt Nam, khi bị Mỹ áp thuế hơn 400% vào năm 2019 do nghi ngờ đây là hàng lẩn tránh thuế. Theo Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2022, Mỹ đã khởi xướng 51 vụ việc với hàng hoá của Việt Nam, chiếm khoảng 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó 22 vụ việc là điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Việt Nam còn một điểm yếu khác nằm ở chuỗi cung ứng khi còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Ví dụ, ngành dệt may phụ thuộc lớn vào sợi và vải nhập khẩu, làm tăng rủi ro khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Năm 2020, khoảng 52% sợi bông và 61% vải dệt kim nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Mỹ cũng cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất toàn bộ hoặc một
phần tại khu vực Tân Cương của Trung Quốc do lo ngại về lao động cưỡng bức. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải đảm bảo chuỗi cung ứng không có nguyên liệu có nguồn gốc từ Tân Cương để duy trì quyền tiếp cận thị trường Mỹ.
Một thách thức nữa mà Việt Nam phải đối mặt đến từ sự giám sát chặt chẽ hơn từ Mỹ do thặng dư thương mại lớn và các hoạt động tiền tệ. Hiện Việt Nam đứng thứ ba trong số các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất, với 104,6 tỷ USD. Mức thâm hụt thương mại này đã tăng mạnh so với mức chỉ 32 tỷ USD vào năm 2016, khi chiến tranh thương mại chưa xảy ra và Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trong danh sách. Năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ từng gắn nhãn Việt Nam là “quốc gia thao túng tiền tệ”, dẫn đến nguy cơ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm giải quyết các vấn đề thương mại với Mỹ, và ứng phó kịp thời với các thay đổi trong chính sách.
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump được đánh giá là sẽ quyết liệt hơn với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” và trong chính sách với Trung Quốc. Chiến tranh thương mại sẽ một lần nữa làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến sản xuất bị đình trệ, thậm chí đe doạ hợp tác kinh tế đa phương. Để thực sự tận dụng được các cơ hội xuất khẩu và đầu tư từ chính sách thuế quan mới của Mỹ một cách lâu dài và bền vững, Việt Nam cần chủ động giải quyết các thách thức trên. Việc đa dạng hóa nguồn cung cũng như thị trường xuất khẩu, đầu tư vào hệ thống tuân thủ, và chính sách ngoại giao khéo léo nhằm giảm thiểu rủi ro về thuế quan sẽ là những yếu tố quan trọng để hướng tới tăng trưởng bền vững trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Tin bài Viện Nghiên cứu Kinh doanh
[1] Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng thêm 18 tỷ USD. Báo Đầu tư. https://baodautu.vn/xuat-khau-sang-hoa-ky-tang-them-18-ty-usd-d227777.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Banh, Fan and Zhang. 2024. FDI Inflows into China and Vietnam and the Impact of the US-China Trade War. ACI Research Paper.
Euihyun Kwon. 2022. The US–China Trade War: Vietnam Emerges as the Greatest Winner. Journal of Indo-Pacific Affairs, Air University Press.