Viện Nghiên cứu Kinh doanh báo cáo giữa kỳ đề tài “Phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu tình hình mới”
26/09/2024
Chiều ngày 26/09/2024, tại trụ sở Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Nai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (UEH), đã trình bày báo cáo giữa kỳ đề tài "Phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu tình hình mới". Tham gia tại phiên báo cáo có sự tham dự của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình - chủ trì Hội đồng đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện đề tài cùng đại diện các Sở ban ngành Tỉnh Đồng Nai.
Đề tài này do tỉnh Đồng Nai đặt hàng, Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) chủ trì thực hiện; GS-TS Võ Xuân Vinh làm chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh phiên báo cáo giữa kỳ
Báo cáo giữa kỳ đánh dấu giai đoạn quan trọng trong quá trình nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển 5 loại hạ tầng chủ chốt: giao thông; năng lượng; công nghệ thông tin và truyền thông; cấp thoát nước và công trình thuỷ lợi; xử lý chất thải.
Với vai trò chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, Đồng Nai cần tập trung đầu tư vào phát triển hạ tầng kinh tế. GS.TS. Võ Xuân Vinh đã chỉ ra những kết quả đạt được cũng như các thách thức mà tỉnh Đồng Nai đang phải đối mặt trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng.
Hạ tầng giao thông
Báo cáo chỉ ra rằng hạ tầng giao thông đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối các khu vực kinh tế của Đồng Nai với TP.HCM và các tỉnh lân cận. Hiện nay, mặc dù Đồng Nai đã có những bước tiến đáng kể với các dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Dầu Giây, vẫn còn tồn tại những điểm yếu trong hệ thống giao thông nội tỉnh. Để cải thiện, chủ nhiệm đề tài đề xuất mở rộng thêm các tuyến đường chính và đầu tư vào hạ tầng giao thông nông thôn nhằm đảm bảo tính liên kết hiệu quả hơn giữa các vùng.
Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)
Hạ tầng ICT là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Mặc dù hệ thống mạng 4G đã được triển khai rộng rãi, song việc phát triển mạng 5G vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và cần được đẩy mạnh để phục vụ tốt hơn cho các ngành công nghiệp và dịch vụ. Ông nhấn mạnh việc mở rộng kết nối internet đến các vùng nông thôn và khu công nghiệp là cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của Đồng Nai trong nền kinh tế số.
Hạ tầng năng lượng
GS.TS Võ Xuân Vinh chỉ ra rằng nhu cầu về năng lượng tại các khu công nghiệp lớn như Amata, Biên Hòa, Long Thành đang tăng nhanh chóng, trong khi hệ thống cung cấp điện chưa đáp ứng đầy đủ. Việc phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió sẽ giúp tỉnh giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Hạ tầng cấp thoát nước và công trình thuỷ lợi
Hạ tầng cấp thoát nước của tỉnh Đồng Nai đã có những bước tiến bộ, đặc biệt trong các khu đô thị lớn. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng vào mùa mưa tại nhiều khu vực vẫn là vấn đề đáng lo ngại. GS.TS. Võ Xuân Vinh đề xuất cần có những giải pháp quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ hơn vào hệ thống thoát nước đô thị, đồng thời cải thiện hệ thống cấp nước sạch, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và vùng sâu.
Hạ tầng xử lý chất thải và nước thải đô thị
Báo cáo đánh giá cao các nỗ lực trong việc xử lý chất thải tại các khu công nghiệp lớn. Tuy nhiên, GS.TS. Võ Xuân Vinh nhấn mạnh rằng hệ thống xử lý rác thải và nước thải vẫn chưa đồng bộ, gây ra ô nhiễm môi trường tại một số khu vực. Ông đã đề xuất áp dụng các công nghệ xử lý rác thải hiện đại như đốt rác phát điện và tái chế chất thải nhằm tối ưu hóa quá trình xử lý và tái sử dụng tài nguyên.
GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện NCKD - Chủ nhiệm đề tài
Tại cuộc họp, TS. Huỳnh Thanh Bình nhấn mạnh rằng lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học và kinh tế chính trị. Dù đề tài đã hoàn thành nhiệm vụ, cần bổ sung yếu tố thực tiễn để có thể áp dụng vào thực tế. Ông cũng đề xuất nhóm nghiên cứu cần đề cập đến năng lượng điện hạt nhân, đồng thời xác định những khoảng trống để tiếp tục nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vào việc phát huy hiệu quả liên kết vùng và bổ sung các tài liệu tham khảo từ những địa phương tương đồng như Bình Dương, Vũng Tàu. TS. Huỳnh Thanh Bình khẳng định: “Đồng Nai đã nói là làm, đã đi là đến, đã làm là phải hoàn thành.”
TS. Huỳnh Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng đánh giá giữa kỳ
Đánh giá giữa kỳ đề tài không chỉ đưa ra những đánh giá thực trạng chính xác mà còn gợi ý các giải pháp thực tiễn nhằm phát triển hạ tầng kinh tế của tỉnh Đồng Nai theo hướng hiện đại và bền vững. Đặc biệt, GS. TS Võ Xuân Vinh đã nhấn mạnh rằng việc huy động vốn xã hội và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân là cần thiết để đảm bảo nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương.
Sau phần báo cáo của ban chủ nhiệm đề tài và những góp ý của các thành viên hội đồng, đề tài nhận được 100% phiếu đánh giá đạt yêu cầu về mặt khoa học và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian tới, đơn vị chủ trì đề tài cần tiếp tục hoàn thiện đề tài theo những đóng góp của các thành viên trong hội đồng để hoàn thành tiến độ bàn giao sản phẩm chính đề tài vào tháng 12/2024.
Sự kiện báo cáo giữa kỳ lần này đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các sở, ngành liên quan và doanh nghiệp địa phương. Các đại biểu tham dự đánh giá cao những đề xuất của GS.TS Võ Xuân Vinh và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để đưa ra các chính sách và kế hoạch hành động cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2025 – 2030 và định hướng đến năm 2045.
Viện Nghiên cứu Kinh doanh (UEH) luôn cam kết đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển những giải pháp kinh tế chiến lược, góp phần xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh
Báo đài đưa tin:
Báo Pháp Luật: Đồng Nai: Phát triển hạ tầng kinh tế phải gắn liền với hạ tầng cơ sở