Viện Nghiên cứu Kinh doanh tổ chức buổi Seminar "Giải pháp hỗ trợ các Doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh do đại dịch - Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam"

17/12/2021

Sáng ngày 17/12/2021, Viện Nghiên cứu Kinh doanh (IBR) đã tổ chức thành công buổi Seminar: "Giải pháp hỗ trợ các Doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh do đại dịch - Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam".

Chủ trì buổi Seminar có GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường, GS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh và TS. Trần Đăng Khoa - Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh của Viện Nghiên cứu Kinh doanh cùng sự tham gia của hơn 30 quý thầy, cô, anh, chị học giả quan tâm.

 

Báo cáo viên ThS. Nguyễn Phan Trúc Phương đã trình bày nghiên cứu xoay quay những chủ đề chính sau:

1. Động cơ nghiên cứu: 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp ở Việt Nam đồng thời sử dụng một lượng lớn người lao động. Tuy nhiên, sự hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính, chuỗi cung ứng yếu và khả năng ứng dụng công nghệ số chưa cao làm cho DNNVV đặc biệt tổn thương hơn so với các doanh nghiệp lớn khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra. Do đó, nhóm nghiên cứu thực hiện bài nghiên cứu này với mục đích tìm ra các giải pháp hỗ trợ DNNVV phục hồi sản xuất kinh doanh.

2. Khó khăn DNNVV đối mặt trước tác động của COVID-19:

Trước diễn biến bất ngờ của đại dịch và các biện pháp giãn cách của chính phủ, DNNVV đối mặt với nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh như đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bị thu hẹp, thiếu hụt lực lượng lao động và các vấn đề về tài chính.

3. Giải pháp hỗ trợ DNNVV của các nước trên thế giới:

Các quốc gia đã nhanh chóng đưa ra các chính sách để hỗ trợ các DNNVV giảm thiểu thiệt hại trong đại dịch như đơn giản hóa thủ tục hành chính (ví dụ: thủ tục cho vay), tăng cường số hóa và tăng tính thanh khoản cho các DNNVV. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đang triển khai các chính sách giúp DNNVV phục hồi sau đại dịch như theo dõi tác động của cuộc khủng hoảng đến DNNVV để cải thiện các chính sách hiệu quả hơn và khuyến khích các đổi mới sáng tạo liên quan đến công nghệ.

4. Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam:

Dựa trên tổng hợp giải pháp của các quốc gia và tình hình thực tế của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị về các chính sách phản ứng kịp thời với những tổn thất của đại dịch gây ra đồng thời đảm bảo tính hiệu quả. Ngoài ra, các biện pháp như phủ sóng vaccine và chính sách dự phòng cho các tình huống tiếp theo của dịch bệnh sẽ giúp các DNNVV dần phục hồi sau đại dịch.

Cuối cùng phần đặt câu hỏi và thảo luận sôi nổi giữa báo cáo viên, ban cố vấn và các học giả tham dự.

Viện Nghiên cứu Kinh doanh trân trọng cảm ơn quý thầy/cô/anh/chị đã quan tâm tham dự.

Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh.