Viện trưởng VNCKD tham dự hội thảo “Quá khứ, Hiện tại và tương lai của Kinh tế và Luật ở Châu Á”
Viện Nghiên cứu Kinh doanh (UEH) tham dự Hội thảo khoa học quốc tế ISC 2024 chủ đề "Kết nối giá trị xanh cho phát triển bền vững"
21/09/2024
Sáng ngày 21/9/2024, Đoàn công tác VNCKD (UEH) gồm GS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng VNCKD (UEH) cùng toàn thể nhân viên Viện tham gia hội thảo khoa học quốc tế ISC 2024 với chủ đề: “Kết nối giá trị xanh cho phát triển bền vững ” được tổ chức tại Đại học Bình Dương.
Toàn cảnh Hội thảo ISC 2024
Hội thảo khoa học quốc tế thường niên ISC 2024 tập trung vào các chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,.... với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, quản trị công nghiệp và logistics. Các chủ đề nổi bật khác của hội thảo gồm trí tuệ nhân tạo và máy học, với những ứng dụng tiên tiến trong tự động hóa, nhận diện giọng nói và hình ảnh; y học và công nghệ sinh học; môi trường và năng lượng tái tạo, nhằm tìm kiếm các giải pháp bền vững cho tương lai.
GS. TS. Võ Xuân Vinh – Viện trưởng VNCKD (UEH) làm Keynote chính của Hội thảo khoa học quốc tế ISC 2024
Tại hội thảo, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng VNCKD (UEH) đã nhấn mạnh chính Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại dịch COVID-19, tình trạng suy thoái kinh tế, cũng như các vấn đề trọng điểm trong nền kinh tế như bẫy thu nhập trung bình hay công lao động không còn ở mức thấp đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi khía cạnh của kinh tế và xã hội toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những tiến bộ vượt bậc về công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Big Data đang định hình lại nền kinh tế thế giới. Các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Trung Quốc, và châu Âu đang dẫn đầu trong cuộc cách mạng số, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện. Những thay đổi này không chỉ tạo ra áp lực cạnh tranh mà còn mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế quan trọng cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, chính phủ đã xác định tầm quan trọng của kinh tế số trong chiến lược phát triển quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trên toàn cầu. Việt Nam hiện đã có những chính sách và chương trình hành động như Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và tận dụng các cơ hội từ xu thế mới này. Trong đó, 3 trụ cột chính trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số quốc gia chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, mối quan hệ mật thiết giữa kinh tế số và xã hội số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chung. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức như sự thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn cao và hệ thống hạ tầng kỹ thuật số chưa thực sự hoàn thiện.
Theo GS.TS. Võ Xuân Vinh, một trong những lợi thế của quá trình chuyển đổi số chính là sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và công nghệ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực tiềm năng như thương mại điện tử, ngân hàng điện tử và sản xuất thông minh được kỳ vọng sẽ trở thành những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, chuyển đổi số đã tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, trong đó vai trò của khách hàng ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển và uy tín của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam phải đối mặt với một loạt thách thức lớn, bao gồm rủi ro không theo kịp tiến trình chuyển đổi số toàn cầu và các mối đe dọa về an ninh mạng, vốn là những vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Để giải quyết các thách thức này, việc đảm bảo an toàn an ninh mạng, đầu tư hiệu quả vào hạ tầng kỹ thuật số, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ là những yếu tố cần thiết. Đồng thời, việc xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch và phù hợp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.
Hội thảo ISC 2024 đã tạo ra một diễn đàn quan trọng để các chuyên gia và nhà khoa học cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức trong phát triển kinh tế số, phát triển nền kinh tế xanh cũng như hướng đến phát triển chuỗi giá trị xanh đảm bảo hiệu quả và bền vững cho nền kinh tế, môi trường và xã hội.
Viện NCKD (UEH) tham gia Hội thảo ISC 2024
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, VNCKD nói riêng đã và đang khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về kinh tế số và chuyển đổi số. Với tầm nhìn chiến lược dài hạn và sự cam kết mạnh mẽ từ đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu, VNCKD định hướng trọng tâm với các nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng trong lĩnh vực phát triển bền vững. Các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do VNCKD triển khai đã và đang đóng góp tích cực trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Điển hình là việc đề xuất và xây dựng các chính sách phù hợp nhằm nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đồng thời giảm thiểu rủi ro liên quan đến an ninh mạng và quản trị dữ liệu. Những nỗ lực này không chỉ góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh