Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh làm diễn giả của tọa đàm về "Tín chỉ Carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ Carbon"
16/08/2024
Sáng ngày 16/8/2024, GS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. HCM tham gia tọa đàm với chủ đề: “Tín chỉ Carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ Carbon” được tổ chức bởi Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn hệ sinh thái VOS HOLDING.
Toàn cảnh Tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”
Tọa đàm tập trung lộ trình hướng tới những cam kết của Việt Nam trong việc phát triển bền vững với các chủ đề nổi bật như cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon của EU - CBAM, cơ chế vận hành thị trường tín chỉ carbon, Cam kết của Việt Nam về phát thải nhà kính,...đồng thời nhấn mạnh rằng mục tiêu trung hòa carbon, với việc giảm phát thải khí nhà kính, là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Trong bối cảnh nông nghiệp và công nghiệp, việc giảm phát thải và tăng cường hấp thụ carbon đang được chú trọng thông qua việc ứng dụng công nghệ mới và thực hành sản xuất bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một yếu tố thiết yếu là phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh và bảo đảm sự thành công trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
GS. TS. Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh – Đại học Kinh tế TP. HCM chia sẻ những cam kết của Chính phủ về vấn đề giảm phát thải nhà kính.
Tại phiên thảo luận, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông và phát triển nguồn nhân lực trong chiến lược tăng trưởng xanh. Từ năm 2021, Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26 và thực hiện các nghĩa vụ khu vực về năng lượng. Việt Nam tham gia nhiều tổ chức như Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng và Diễn đàn APEC, cũng như Liên minh Hành động khí hậu châu Á. GS khẳng định rằng để đạt được sự phát triển bền vững, con người phải là trung tâm của mọi nỗ lực. Tuy nhiên, thị trường tín chỉ carbon vẫn còn mới mẻ, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, các chương trình đào tạo, viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục cần tích cực tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon. Mục tiêu chính là phối hợp với Chính phủ trong việc triển khai các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, GS.TS. Võ Xuân Vinh đã nêu bật sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu, đặc biệt là tại các hội nghị quan trọng như COP 26 và 27, Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), và Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (GMS). Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của Đối tác Năng lượng Toàn cầu (GEP), một sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Những cam kết này không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính mà còn đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc thực hiện các cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam cũng đang quyết liệt đẩy mạnh kế hoạch hành động thông qua chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này bao gồm các mục tiêu chính: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính, Phát triển năng lượng tái tạo, Giảm sử dụng năng lượng hóa thạch.
Nhận định về năm 2023 vừa qua, Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng)
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu giảm 40 triệu tấn khí nhà kính vào năm 2025 và 80 triệu tấn vào năm 2030, với kỳ vọng tạo ra nguồn thu lớn từ việc bán tín chỉ carbon, đặc biệt trong ngành lâm nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, việc đầu tư vào đào tạo, phát triển chuyên gia, trang bị kiến thức cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý là cần thiết. Đồng thời, chiến lược ngoại giao nhằm thúc đẩy kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững cũng cần được đẩy mạnh.
Tọa đàm đã cung cấp góc nhìn toàn diện về tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon, đồng thời làm rõ những sai lầm phổ biến trong việc tiếp cận thị trường này tại Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực Nông nghiệp.
Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) không chỉ đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục và nghiên cứu, mà còn cam kết đóng vai trò tiên quyết trong việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon. UEH nói chung và Viện Nghiên cứu Kinh doanh nói riêng, tập trung vào các nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng nhằm phát triển kinh tế xanh, đồng thời xây dựng các giải pháp chiến lược để hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững, không chỉ đóng góp vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mở rộng mạng lưới hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, góp phần thực hiện các cam kết quốc gia và quốc tế về giảm phát thải và phát triển bền vững.
Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh
Các báo đài đưa tin:
1. Báo Nhân Dân: Đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon (Nhandan.vn)
2. Báo Pháp luật Việt Nam: Phát triển nguồn nhân lực là mắt xích quan trọng trong thị trường tín chỉ carbon (baophapluat.vn)
3. Báo Dân Trí: GS.TS Võ Xuân Vinh: "Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm" (Dantri.com.vn)
4. Báo Thanh Niên: Khi nào Việt Nam bán được tín chỉ carbon với giá 100 USD? (thanhnien.vn)
5. Báo Kinh tế đô thị : Đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường carbon đang là nhu cầu cấp bách (Kinhtedothi.vn)
6. Báo Phụ Nữ: Việt Nam có thể bán 25 triệu tín chỉ carbon (phunuonline.com.vn)
7. Báo Hải quan online: Lo lỡ cơ hội từ thị trường carbon do thiếu nguồn nhân lực (haiquanonline.com.vn)
8. Báo Vietnamnet Đang định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD, không thu được sẽ lỗ (Vietnamnet.vn)
9. Báo Tài Nguyên & Môi Trường: Đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon là nhiệm vụ cấp bách (baotainguyenmoitruong.vn)
10. Báo Nhịp sống Kinh doanh: 2.000 doanh nghiệp trên toàn quốc bị kiểm kê phát thải khí nhà kính (nhipsongkinhdoanh.vn)