Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. HCM phối hợp với UBND Tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo khoa học "Thực trạng và Giải pháp Phát triển Hạ tầng Kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai"

03/07/2024

Ngày 3/7/2024 tại Hội trường UBND tỉnh Đồng Nai, Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. HCM phối hợp với UBND Tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo khoa học về "Thực trạng và Giải pháp Phát triển Hạ tầng Kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai". Về phía UBND Tỉnh Đồng Nai có sự có mặt của Ông Võ Tấn Đức - uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh Uỷ, Quyền Chủ tịch Tỉnh Đồng Nai, tổ trưởng tổ  Nghiên cứu thực tiễn 6. Về phía đơn vị quản lý đề tài, có sự tham gia của ông Lại Thế Thông - GĐ Sở KHCN Tỉnh Đồng Nai. Về phía đơn vị chủ trì đề tài có sự tham gia của GS. TS. Võ Xuân Vinh – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – Chủ nhiệm đề tài và lãnh đạo các Sở ban ngành, các doanh nghiệp, các chuyên gia trên địa bàn tỉnh. 

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo thu hút hơn 60 đại biểu tham dự với mục tiêu thảo luận và lấy ý kiến từ các Sở ban ngành địa phương, nhằm tổng hợp dữ liệu khoa học và hoàn thành đề tài “Phát triển hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai”. Nội dung phục vụ cho công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng Bộ Tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Với mục tiêu xây dựng nền tảng phát triển bền vững và toàn diện cho tỉnh Đồng Nai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, những thách thức về hạ tầng trong tương lai đối với Đồng Nai là rất lớn. Hạ tầng không chỉ cần tính đồng bộ mà còn phải thông minh và gắn với tăng trưởng xanh để phát triển bền vững. Ông Đức đề nghị các sở ngành, địa phương trên cơ sở đề cương nghiên cứu của đơn vị thực hiện, cung cấp đầy đủ, chính xác số liệu, thực tiễn trong lĩnh vực mình quản lý, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án, giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Tấn Đức -  Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai 

Tại Hội thảo, GS. TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. HCM nhấn mạnh trước những thách thức và cơ hội trong tình hình mới, việc phát triển hạ tầng kinh tế của tỉnh cần phải có những bước đi đột phá, những giải pháp sáng tạo và bền vững. Xây dựng hạ tầng kinh tế phải bao gồm các công trình giao thông, năng lượng, công nghệ viễn thông, cấp thoát nước và  xử lý chất thải. Hội thảo là cơ hội để trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển hạ tầng kinh tế của tỉnh Đồng Nai. Với sự tham gia đóng góp ý kiến nhiệt tình của các Sở, ngành, địa phương và đặc biệt là các chuyên gia, các nhà khoa học giúp tỉnh Đồng Nai tìm ra những hướng đi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. 

GS. TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. HCM 

Đại diện Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. HCM, PGS. TS. Trần Đăng Khoa trình bày về tổng quan các nghiên cứu phát triển hạ tầng kinh tế trong và ngoài nước, cùng với các lý thuyết phát triển kinh tế, tăng trưởng khu vực và đầu tư công. Viện đề xuất mô hình hạ tầng cốt lõi để phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai gồm 5 thành tố: giao thông, năng lượng, viễn thông và công nghệ thông tin, cấp thoát nước và công trình thủy lợi, xử lý chất thải. 

PGS. TS. Trần Đăng Khoa - Thư ký khoa học đề tài

Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai báo cáo hệ thống giao thông của tỉnh đã tiến bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải. Tỉnh có khoảng 78.447 km đường, 18 cảng biển hoạt động, đường sắt Thống Nhất dài 87,5 km, đang xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và lập quy hoạch Cảng hàng không Biên Hòa. 

Sở Thông tin Truyền thông chia sẻ rằng tỉnh đã phát triển hạ tầng thông tin và viễn thông, với 86.35% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh và 100% xã phường có mạng cáp quang. Nhân lực số đạt hơn 6.000 lao động trong ngành ICT. Tỉnh có 1.515 dịch vụ công trực tuyến và kinh tế số chiếm 10,25% GRDP. 

Sở Công Thương cho biết Đồng Nai thuộc nhóm địa phương sử dụng năng lượng nhiều nhất cả nước, với sản lượng điện thương phẩm tăng từ 10,57 tỷ kWh (2015) lên 14,63 tỷ kWh (2023), công suất lớn nhất từ 1.656MW (2015) lên 2.365MW (2023). Năng lượng sử dụng gồm: điện, than đá, dầu FO, dầu DO, khí gas, LPG và các dạng năng lượng khác. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tỉnh có 139 công trình thủy lợi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiên tiến là 59.754 ha. 

Sở Xây dựng chia sẻ tỉnh có 22 nhà máy nước với công suất thiết kế khoảng 623.410 m3/ngày đêm, 85% dân cư đô thị được cung cấp nước sạch và mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đạt 100 lít/người/ngày đêm. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 18 điểm ngập cần tiếp tục xử lý.

Sở Tài Nguyên Môi trường cho biết số dân toàn tỉnh trên 3.255.000 người (năm 2022), phát sinh lượng chất thải rắn cần xử lý khoảng 1.858 tấn/ngày. Cùng với 33 khu công nghiệp được thành lập trong đó: 32/33. Các hoạt động công nghiệp phát sinh lượng chất thải khoảng 1.800 tấn/ngày (trong đó, chất thải nguy hại khoảng 510 tấn/ngày). Đây vừa là thành quả vừa là thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tổng kết hội thảo

Với vị trí chiến lược trong vùng Đông Nam Bộ, Đồng Nai luôn đóng vai trò tiên phong và quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của cả nước. Trong đó, Phát triển hạ tầng mang tính chất quyết định, dẫn dắt nền kinh tế, không những giữ vai trò kết nối vùng và cả nước, mà còn tạo thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trước những thách thức và cơ hội trong tình hình mới, việc phát triển hạ tầng kinh tế của tỉnh cần phải có những bước đi đột phá, những giải pháp sáng tạo và bền vững. Hạ tầng kinh tế không chỉ bao gồm các công trình giao thông, năng lượng, viễn thông… mà còn bao gồm cả hạ tầng xã hội như: y tế, giáo dục, hạ tầng công nghệ…

Hội thảo đưa ra các cơ sở khoa học, thực trạng, kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế của tỉnh Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai. Các kết quả này sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Hội thảo cũng hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, tạo ra những bước tiến mới trong phát triển hạ tầng kinh tế của tỉnh Đồng Nai.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Viện NCKD trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu có danh tiếng học thuật trong khu vực Châu Á trong hoạt động nghiên cứu phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế số nhằm đưa ra các cơ sở lý luận, thực trạng và các giải pháp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế số trong thời kỳ đổi mới.

Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh

Báo, đài đưa tin về hội thảo:

Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai: Tìm giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế Đồng Nai

Đài PT-TH Đồng Nai: Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, định hướng 2050”

Báo pháp luật: Đồng Nai tìm giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế

Báo xây dựng: Đồng Nai: Vượt qua những thách thức to lớn để phát triển đồng bộ hạ tầng trong tương lai

Báo Đồng Nai: Phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng kinh tế Đồng Nai


Tin mới