Viện Nghiên cứu Kinh doanh với các nghiên cứu liên quan đến chuyển đổi số - một trong các định hướng nghiên cứu về các vấn đề nóng hổi của kinh tế - xã hội đóng góp vào quá trình phát triển đi lên của đất nước.
02/09/2024
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết quan trọng với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới." Bài viết này đã khẳng định vai trò then chốt của chuyển đổi số trong việc phát triển kinh tế và xã hội, mở ra hướng đi mới cho đất nước trong thời đại kỷ nguyên số.
Chuyển đổi số đã là một trong những định hướng chiến lược quan trọng của các quốc gia trên thế giới, được triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Kinh tế số đã trở thành xu hướng tất yếu và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Việt Nam và kinh tế số cũng kỳ vọng đưa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, bắt kịp với các nước phát triển trong tương lai gần.
Với tầm nhìn chiến lược sâu rộng và sự chung tay mạnh mẽ của toàn xã hội, Việt Nam đang tiếp tục vươn lên, từng bước khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế số toàn cầu. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, từ việc cải cách hành chính đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Cùng với sự phát triển không ngừng của các công ty công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam đang ngày càng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ số chất lượng cao, đồng thời mở rộng kết nối với các thị trường quốc tế. Điều này không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia mà còn khẳng định sự tham gia chủ động của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số toàn cầu.
Trong thời gian qua, Viện NCKD (UEH) đã tập trung nghiên cứu sâu các vấn đề nổi bật trong lĩnh vực chuyển đổi số, với mong muốn đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Viện đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng, tập trung vào các trụ cột chính của quá trình chuyển đổi số. Trong lĩnh vực chính quyền số, Viện đã công bố nhiều nghiên cứu về chính phủ điện tử và chính phủ số, đưa ra các giải pháp cùng những gợi ý chính sách quan trọng. Đối với kinh tế số, Viện cũng đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu đáng chú ý, bao gồm các đề tài cấp quốc gia nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc soạn thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Viện NCKD (UEH) hiện đang hoạt động theo đề án phát triển trở thành viện nghiên cứu xuất sắc của UEH. Trong thời gian qua, Viện luôn tập trung phát triển nghiên cứu hàn lâm công bố ở các tạp chí khoa học quốc tế, tổ chức các hoạt động khoa học như tổ chức hội thảo và tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế. Viện cũng tổ chức triển khai các nghiên cứu đối với các vấn đề thực tiễn nhằm tạo ra những ảnh hưởng tới kinh tế xã hội ở quy mô toàn cầu cũng như góp phần đi song hành với sự phát triển của đất nước ta.
Một số các nghiên cứu về lĩnh vực chuyển đổi số của Viện Nghiên cứu Kinh doanh:
1. Đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia "Phát triển kinh tế số: Định hướng và giải pháp chính sách", Mã số KX.04.22/21-25, thuộc Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025”.
Mục tiêu của đề tài là đưa ra những kiến nghị để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Kết quả nghiên cứu này nhằm mục tiêu chuẩn bị luận cứ khoa học, đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị văn kiện cho Đại hội XIV của Đảng vào tháng 1/2026.
Chính phủ Việt Nam đã xây dựng nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Điển hình là việc ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020), một chương trình khung định hướng cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế số. Với thế "kiềng 3 chân" gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chương trình này không chỉ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc mà còn hướng đến tầm nhìn biến Việt Nam trở thành một quốc gia số ổn định, thịnh vượng, và tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, từ đó đổi mới căn bản và toàn diện các hoạt động của Chính phủ, doanh nghiệp, và đời sống của người dân.
2. Đề tài “Mô hình chính phủ kiến tạo trong phát triển kinh tế ở Việt Nam” Mã số: B2020-KSA-04, thuộc chương trình Khoa học Công nghệ cấp Bộ.
3. Đề tài của Hội đồng Lý luận Trung ương “Những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biến động kinh tế thế giới đối với sự phát triển đất nước và Định hướng giải phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIII.
4. Tham gia vào đề án “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, kết quả đề tài là nghị quyết 29 về đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030.
Viện NCKD cũng là đơn vị chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều nghiên cứu có ảnh hưởng xã hội lớn như các đề án, đề tài cấp nhà nước quan trọng. Đặc biệt, đề tài Công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Viện tham gia với tư cách là thành viên nghiên cứu chủ chốt, thành viên thường trực tổ biên tập vừa được hiện thực bằng Nghị quyết trung ương về Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
5. Thực hiện Nghiên cứu thường niên với mục tiêu nghiên cứu phân tích, thảo luận các chính sách Chính phủ, các thành tựu và sự kiện tiêu biểu của kinh tế Việt Nam (Xem thêm)
- Nghiên cứu thường niên với chủ đề “Định hướng và giải pháp phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam” (Xem thêm)
- Nghiên cứu thường niên với chủ đề "Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương: Thực trạng và xu thế phát triển - Hàm ý cho Việt Nam" (Xem thêm)
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2-9, cả nước Việt Nam hân hoan nhìn lại những bước tiến vững chắc trong công cuộc phát triển đất nước. Viện Nghiên cứu Kinh doanh (NCKD) nói riêng, UEH nói chung tự hào đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào tiến trình này thông qua các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, tập trung vào việc đề xuất những giải pháp thiết thực và khả thi cho chính sách công cũng như hoạt động kinh doanh. Với nỗ lực phân tích, đánh giá, và đưa ra các khuyến nghị chính sách cùng các giải pháp thực tế từ doanh nghiệp, Viện hướng đến mục tiêu hỗ trợ hiệu quả cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho nền kinh tế.
Tin bài: Viện Nghiên cứu kinh doanh