Giải pháp hỗ trợ các DNNVV phục hồi sản xuất kinh doanh do đại dịch - Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam

22/02/2022

Quyển “Giải pháp hỗ trợ các DNNVV phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch - Hàm ý cho Việt Nam” là một trong những sách nằm trong “Chuỗi sách chuyên khảo Nghiên cứu Kinh tế - Kinh doanh” của Viện Nghiên cứu Kinh doanh dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu UEH nhằm thảo luận và đưa ra các luận cứ khoa học về những vấn đề trong kinh tế.

DNNVV đóng vai trò quan trọng trong tạo công ăn việc làm, phân phối thu nhập công bằng, tiếp cận thị trường ngách và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Số lượng DNNVV rất lớn và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ. DNNVV chiếm khoảng trên 90% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Hầu hết các việc làm chính thức trong nền kinh tế được tạo ra bởi các DNNVV. Tuy nhiên dịch bệnh COVID - 19 xảy ra khiến cả thế giới thiệt hại nặng nề về kinh tế, bên cạnh những tác động tích cực, đại dịch COVID - 19 tác động gần như đồng thời đến tất cả các nền kinh tế trên toàn cầu nhưng theo các cơ chế khác nhau cả về phía cung và phía cầu gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng. Đồng thời, đại dịch COVID - 19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng âm 3,5% của năm 2020, các quốc gia trên thế giới bị sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Trước tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID - 19 đến nền kinh tế, các quốc gia đã triển khai nhiều các biện pháp để ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và đối phó với khủng hoảng. Trong đó, DNNVV là một trong những nhóm đối tượng nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ các quốc gia bởi những rủi ro tiềm tàng lớn mà DNNVV phải gánh chịu. Đầu tiên, các DNNVV thường có năng lực tài chính yếu hơn và có hệ số tiền mặt dự trữ nhỏ hơn các doanh nghiệp lớn, do đó, dưới tác động của đại dịch dẫn đến thu hẹp thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, tính thanh khoản của các DNNVV bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các DNNVV gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính khác nhau. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động trong khủng hoảng của các DNNVV. Thứ hai, các DNNVV có chuỗi cung ứng yếu và hàng tồn kho nhỏ khiến cho các DNNVV này dễ bị tổn thương hơn trước sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và sự gia tăng giá của các sản phẩm đầu vào. Thêm vào đó, các DNNVV thường có khả năng hạn chế trong việc thương lượng thực thi các điều kiện thanh toán hấp dẫn. Thứ ba, các DNNVV có phần yếu kém hơn về việc tiếp thu và ứng dụng công nghệ số để có thể xây dựng khả năng phục hồi trong đại dịch hiện nay. Đồng thời các DNNVV có khoảng cách khác biệt đáng kể hơn so với các DN lớn trong việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ số. Thứ tư, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh ở các DNNVV. Đại dịch diễn ra đã gây ra nhiều áp lực cho DNNVV, với nguồn tiền dự trữ và khả thanh thanh khoản thấp, buộc các DNNVV phải cắt giảm nhân sự, thậm chí phá sản đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế. Trong khi DNNVV là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất, những tổn thương này sẽ gây ra tác động không nhỏ đến thị trường lao động. Vì vậy vấn đề tạo việc làm người lao động được các nhà hoạch định quan tâm hàng đầu. Hiện nay, nhiều quốc gia và tổ chức đã ban hành và thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực đến xã hội do thất nghiệp gia tăng. Thứ năm, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và gia tăng khả năng đóng cửa của các DNNVV. Bên cạnh các biện pháp ngăn chặn đại dịch đã dẫn đến việc đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn của nhiều DNNVV, những thách thức trong chuỗi cung ứng và bán hàng đã khiến DNNVV phải đóng cửa hoạt động kinh doanh, ít nhất là tạm thời. Dữ liệu từ các quốc gia cho thấy tỷ lệ đóng cửa của các DNNVV tăng mạnh trong đợt đại dịch đầu tiên, nhưng không giảm sau khi đợt đầu tiên của đại dịch và các biện pháp ngăn chặn dần được dỡ bỏ. Tại Hoa Kỳ, số lượng các doanh nghiệp nhỏ mở cửa liên tục giảm trong nửa cuối năm 2020 và con số này thấp hơn 33,6% vào tháng 01/2021 so với tháng 01/2020. Ở Canada, vào tháng 03/2021, 35% doanh nghiệp nhỏ vẫn đóng cửa. Theo thống kê ở Canada, tỷ lệ vỡ nợ đã giảm 29,5% vào năm 2020 so với năm 2019 (OECD, 2020). Làn sóng vỡ nợ dự kiến vào năm 2021 sẽ làm tăng nhu cầu về các biện pháp hỗ trợ đào tạo và kỹ năng để cho phép các chủ sở hữu DNNVV và nhân viên có cơ hội trong các hoạt động kinh tế khác. Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của đại dịch tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, giảm lao động, tạm ngừng hoạt động, thậm chí đóng cửa do nguồn lực tài chính, nhân lực hạn chế, trong khi đó các điều kiện thị trường không đảm bảo khả năng tối thiểu để vận hành ổn định. Trước tình hình đó báo cáo “GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH SAU ĐẠI DỊCH - HÀM Ý CHO VIỆT NAM” sẽ tập trung tổng hợp các giải pháp các quốc gia trên thế giới và đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam để phục hồi sản xuất kinh doanh do tác động của đại dịch COVID - 19.

Quyển sách được chủ biên bởi GS.TS Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng trường - Đại học UEH và GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh. Đây là một trong những sản phẩm nghiên cứu hàn lâm hướng tới việc tạo ra những ảnh hưởng xã hội và giải quyết những vấn đề thực tiễn. 

Tải báo cáo tại đây

Tin bàiViện Nghiên cứu Kinh doanh