Vai trò của thương mại đối với phát triển kinh tế - Bài học cho Việt Nam
17/12/2020
Quyển “Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển kinh tế - Bài học cho Việt Nam” là một trong những sách nằm trong “Chuỗi sách chuyên khảo Nghiên cứu Kinh tế - Kinh doanh” của Viện Nghiên cứu Kinh doanh dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu UEH nhằm thảo luận và đưa ra các luận cứ khoa học về những vấn đề trong kinh tế.
Ngày nay, các quốc gia trên thế giới đều coi thương mại quốc tế là yếu tố quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thương mại quốc tế không phải lúc nào cũng là giải pháp màu nhiệm mang lại sự thịnh vượng cho một quốc gia. Thương mại quốc tế phát triển gắn bó chặt chẽ với quá trình tự do hóa thương mại và giảm dần các rào cản thuế quan, phi thuế quan trong thương mại giữa các nước. Trong điều kiện tồn tại sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và năng suất lao động, thương mại quốc tế có xu hướng làm gia tăng nhập khẩu tại các nước kém phát triển, hàng hóa nước ngoài cạnh tranh tốt hơn so với hàng hóa nội địa, làm giảm quy mô sản xuất nội địa, kéo theo đó là thất nghiệp của các nước này có thể gia tăng.
Nhìn chung, thương mại quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho các nước phát triển có trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất cao. Các quốc gia này có khả năng cạnh tranh cao ở cả bốn bình diện như doanh nghiệp, sản phẩm, ngành và quốc gia. Đối với các nước đang và kém phát triển, thương mại quốc tế chỉ mang lại lợi ích thực sự khi có chiến lược hội nhập kinh tế đúng đắn, phù hợp; biết chủ động và tận dụng lợi ích, hạn chế tác động bất lợi trong thương mại quốc tế.
Kể từ khi đổi mới năm 1986, hội nhập kinh tế là một trụ cột quan trọng trong cải cách của Việt Nam. Việt Nam từng bước hội nhập vào kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, đây là bước đi quan trọng và thành công trong quá trình đổi mới. Việc hội nhập kinh tế sâu rộng đã mở ra cơ hội kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng thương mại, đầu tư và thu nhập. Trong bối cảnh bùng nổ các cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn trên thế giới, năm 2019 mang lại nhiều kết quả ấn tượng của thương mại Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam gần đây đã tăng trưởng với tốc độ kỷ lục một phần nhờ vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2019, tăng trưởng của Việt Nam là 7,02%, tăng trưởng FDI ở mức cao, thương mại Việt Nam và thế giới đạt trên 517 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 550 tỷ USD trong năm 2020 - thời gian mà Việt Nam và thế giới cùng nhau đối phó với đại dịch Covid – 19.
Trong thời gian qua, số lượng bảo hộ thương mại mà các nền kinh tế lớn thực hiện ngày càng tăng lên, đặc biệt là Mỹ, có thể gây thiệt hại nặng nề cho chính nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ đưa ra những rào cản thuế đối với nhập khẩu, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất về trong nước. Đồng thời, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tìm mọi cách tăng kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh gia tăng những rào cản đối với hàng nhập khẩu, giữ thị phần trong nước cho các doanh nghiệp nội địa, là những minh chứng rõ nét về xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Và chính những căng thẳng kinh tế và địa chính trị là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng toàn cầu.
Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có thể là cơ hội để Việt Nam thu hút nhiều hơn đầu tư từ Mỹ và là một động lực thúc đẩy sự thay đổi này diễn ra nhanh hơn. Các doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng gặp khó khăn để kinh doanh ở Trung Quốc, họ sẽ có khả năng chuyển sang Việt Nam như một sự thay đổi định hướng kinh doanh. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn với nước ta, nên việc căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn có ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trước áp lực phải thu hẹp nhập siêu với Trung Quốc. Cuộc chiến này cũng mang đến những lo ngại Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ thông qua Việt Nam.
Việt Nam cần hài hòa trong quan hệ thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh phức tạp của sự thay đổi cục diện kinh tế - chính trị quốc tế. Các vấn đề kinh tế nội bộ như nợ công và tái cơ cấu thể chế ở Châu Âu, suy thoái kinh tế ở Nhật Bản và ảnh hưởng của dịch bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề trong thương mại của các nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó là chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng gia tăng đáng kể ở một số đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, cùng với tác động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tác động lên kinh tế và thương mại toàn cầu.
Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo động lực để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thông qua các chính sách như thúc đẩy đầu tư nước ngoài, thực hiện các cải cách thương mại trong nước và các khai thác lợi ích từ chính sách thương mại mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Quyển sách được chủ biên bởi GS.TS Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng trường - Đại học UEH và GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh. Đây là một trong những sản phẩm nghiên cứu hàn lâm hướng tới việc tạo ra những ảnh hưởng xã hội và giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Tin bài: Viện Nghiên cứu Kinh doanh